ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH HÀ ĐỒ LẠC THƯ

ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH HÀ ĐỒ LẠC THƯ

Âm Dương Ngũ Hành Hà Đồ Lạc Thư

Dịch Kinh

Theo Chu Dịch của Phan Bội Châu, KINH DỊCH do Phục Hy, Văn Vương, Chu Công và Khổng Tử sáng tác. Phục Hy vẽ ra tám quẻ đơn, mỗi quẻ chồng thêm một quẻ, tám lần thành ra 64 quẻ kép. Văn Vương đặt soán từ dưới 64 quẻ. Chu Công đặt hào từ dưới 384 hào. Khổng Tử dựa vào ý tưởng của ba vị Thánh trước và làm thêm bản Thập Dực.

Dù nhiều học giả tranh luận về tác giả của Dịch Kinh, điều quan trọng là chúng ta học được gì từ nó.

A. Dịch là gì?

Dịch bao gồm Bất Dịch, Giao Dịch và Biến Dịch.

Bất Dịch là không thay đổi, ví dụ như gốc gác của người Việt Nam. Giao Dịch là hòa hợp, trao đổi, ví dụ như người Việt Nam ở Mỹ kết hôn với người Mỹ. Biến Dịch là biến hóa, thay đổi, ví dụ như con của người Việt Nam ở Mỹ lấy vợ Mỹ.

Dịch lý là tùy thời, tùy lúc, tùy phương tiện mà hòa hợp, sử dụng. Những lời nói, ý niệm, tư tưởng, thí dụ chỉ là phương tiện, không nên bám chấp vào chúng.

B. Muốn học Dịch thì phải biết chữ Thời

Thầy Thiệu Khang Tiết cho rằng toàn bộ Dịch chỉ một chữ Thì bao trùm được hết, tức là động tịnh đúng lúc đúng thời. Thời gian trong vũ trụ luôn biến đổi, như ngày đêm, bốn mùa, mỗi người đều có một đời. Đây là lý do tại sao người nghiên cứu Tử Vi cần chú ý đến thời gian.

C. Dịch học là Dịch số

Trong Dịch học, quan trọng nhất là bốn bản Hà Đồ, Lạc Thư, Tiên Thiên và Hậu Thiên Bát Quái. Hà Đồ và Tiên Thiên Bát Quái nói về vòng Tiên Thiên, thuộc về khí (Thể). Lạc Thư và Hậu Thiên Bát Quái nói về vòng Hậu Thiên, thuộc về hình (Dụng).

I. Hà Đồ

Hà Đồ là một bức hình với tổng số 55 khoen đen trắng. Các bậc Thánh nhân dựa vào đó để bày ra số Cơ, Ngẫu, Âm, Dương.

Dịch lý dựa vào Âm - Dương, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Hai khí Âm Dương kết hợp với nhau ngưng tụ tạo thành trái đất.

Hà Đồ có bốn hướng chính: Đông (Mộc), Tây (Kim), Nam (Hỏa), Bắc (Thủy), còn ở giữa là Trung (Thổ).

Phía Bắc của Hà Đồ có một khoen trắng (Dương) bị bao bọc bởi sáu khoen đen (Âm), cho thấy Dương ẩn tàng bên trong khi Âm cực thịnh.

Phương Nam có hai khoen đen (Âm) bị bao bọc bởi bảy khoen trắng (Dương), cho thấy Âm ẩn tàng bên trong khi Dương cực thịnh.

Phía Đông có ba khoen trắng bị bao bọc bởi tám khoen đen, cho thấy khí Dương đang lấn áp khí Âm.

Phía Tây có bốn khoen đen bị bao bọc bởi chín khoen trắng, cho thấy khí Âm đang lấn áp khí Dương.

Ở trung tâm Hà Đồ là số 5 (Ngũ), Dương. Ở phía Nam và Bắc có năm khoen đen (Âm), cộng lại là Địa số 10. Thiên số Ngũ sinh Thổ, Địa số Thập thành Thổ, hợp lại thành Thổ.

Thí dụ: số 1 là số sinh Thủy, cộng với 5 (Thổ) thành 6, nên 6 là số thành Thủy.

Số 1, 3, 5 là số Dương sinh, 2, 4 là số Âm Sinh; 6, 8, 10 là số Âm Thành, 7, 9 là số Dương thành.

Tóm lại, nguyên lý của tạo hóa, vạn vật hóa sinh, đều do Âm - Dương hòa hợp mà ra.

II. Lạc Thư

Hà Đồ là do vua Phục Hy thấy trên lưng con Long Mã, còn Lạc Thư là do vua Đại Vũ thấy trên lưng con rùa thần. Điều quan trọng là chúng ta học được gì từ nó, chứ không phải ai sáng tác.

Lạc Thư có hình thù giống như con rùa, khẩu quyết là: Đầu đội 9, đuôi đạp 1; Sườn trái 3, sườn phải 7; Vai trái 4, vai phải 2; Chân trái 8, chân phải 6; Số 5 ở giữa lưng (không có 10).

Lạc Thư khác biệt với Hà Đồ ở chỗ:

1. Các con số tổng cộng là 45 vì không có số 10.

2. Các con số của Lạc Thư là con số đơn, vì những con số Âm đã phân tán ra bốn góc.

3. Hậu Thiên chú trọng nhất là con số 5 ở trung cung, vì số 5 là số hỗn hợp của Âm căn 2 và Dương căn 3 (2 + 3 = 5).

Lạc Thư: Dương số ở các phương chính, Âm số ở các phương cạnh.

a. Dương thịnh quá, sinh Âm: số 9 và số 7 ở Tây và Nam là số Dương thịnh, nên giữa Tây và Nam (tức là Tây-nam) phát sinh âm số, số 2 ở Tây Nam.

b. Số 3 ở Đông; số 9 ở Nam: 3 + 9 = 12, bỏ 10 còn 2, 2 + 2 = 4. Số 4 ở Đông-nam.

c. Số 7 ở Tây; số 1 ở Bắc: 7 + 1 = 8, 8 + 8 = 16, bỏ 10 còn 6. Số 6 ở Tây-bắc.

d. Số 3 ở Đông; số 1 ở Bắc: 3 + 1 = 4, 4 + 4 = 8. Số 8 ở Đông-bắc.

Số 5 là con số trung bình ở giữa để làm mức độ cho các con số chung quanh.

Lẽ biến hóa Âm - Dương thấy rõ ở Hà Đồ và Tiên Thiên Bát Quái: Dương số đi vòng thuận, Âm số đi vòng nghịch.

Lạc Thư chỉ nói con số 9 mà không nói số 10, là chú trọng về khí hóa và ngũ hành. Hà Đồ nói về số 10, tức là chú trọng về Âm Dương.

III. Tiên Thiên Bát Quái

Phục Hy vạch ra tám quẻ thành hình Bát Quái, hình dung đại tạo hóa của Thiên Địa. Thái Cực là Âm Dương chưa phân, lúc vũ trụ còn hỗn mang.

Dụng Cửu và Dụng Lục là những điều mà hậu thế muốn hiểu rõ phải xét qua ba mặt: Triết học, Khoa học và Sử học.

Khởi điểm là Lưỡng Nghi DƯƠNG ( ) và ÂM ( ). Thực hiện Dụng Cửu lần nữa thì được hai tượng THÁI DƯƠNG (I) và THIẾU ÂM (II), tiếp đến là Dụng Lục thì được hai tượng THIẾU DƯƠNG (III) và THÁI ÂM (IV).

Vạch thêm hào Dương (tức Dụng Cửu) thì được THÁI DƯƠNG (tượng I), còn vạch thêm hào Âm (tức Dụng Lục) thì được THIẾU DƯƠNG (tượng III). Vạch thêm hào Âm (tức Dụng Lục) thì được Thái Âm (tượng IV), còn vạch thêm hào Dương (tức Dụng Cửu) thì được THIẾU ÂM (tượng II).

Ta thực hiện Dụng Cửu lần nữa (lần thứ ba) xuống dưới TỨ TƯỢNG thì được bốn quái thuộc CÀN ĐẠO là CÀN (1), ĐOÀI (2), LY (3), CHẤN (4).

Ta thực hiện Dụng Lục thì được 4 quái thuộc KHÔN ĐẠO là TỐN (5), KHẢM (6), CẤN (7), KHÔN (8).

BÁT QUÁI NGUYÊN THỦY phải là: CÀN (1), ĐOÀI (2), LY (3), CHẤN (4), TỐN (5), KHẢM (6), CẤN (7), KHÔN (8).

Khởi điểm từ DƯƠNG đến ÂM hay từ ÂM đến DƯƠNG, kết quả chỉ là đi từ trái sang phải hay từ phải sang trái.

Thánh Phục Hy thoạt thấy được lẽ Vũ Trụ Tạo Hóa, chỉ có một Dương một Âm, nên vạch một nét cơ (lẻ) – một nét ngang liền ( ) – tức là nét Dương; lại vạch một nét ngẫu (chẵn) – hai nét ngang đứt ( ) – tức là nét Âm.

Vạch xong hai nét rồi, lại thấy ở trong Vũ Trụ phải có Thiên, Địa, Nhân, mới đủ Tam Tài mà thành được Vũ Trụ. Vì vậy Dương phải có ba nét và Âm cũng phải có 3 nét.

Khi vạch xong 2 quẻ Càn, Khôn rồi, lại thấy ở trong Vũ Trụ chẳng bao giờ cô Dương mà sinh, và cô Âm mà thành. Nếu chỉ có Thuần Âm, Thuần Dương mà thôi thì không thể thành được Vũ Trụ, nên phải vạch thêm sáu quẻ nữa. Đạo Càn (Dương) nhân giao dịch với Âm mà thành ra Tốn, Ly, Đoài; Đạo Khôn (Âm) nhân giao dịch với Dương mà thành ra Chấn, Khảm, Cấn.

Thánh Nhân vạch quẻ Càn từ dưới lên thành 3 vạch Dương (vạch dài). Khi đã đến cùng thì hào trở lại động để di xuống thành ra Đạo Càn có: Càn (1) Đoài (2) Ly (3) Chấn (4).

Thánh Nhân vạch quẻ Khôn từ dưới lên thành 3 vạch đứt. Khi đã đến cùng thì hào trở lại động đi xuống thành ra Đạo Khôn có: Tốn (5) Khảm (6) Cấn (7) Khôn (8).

Trong Tiên Thiên Bát Quái các quẻ đi theo chiều nghịch vì đó là đạo Tự Nhiên trước khi có trời đất chuyển nghịch để tìm về quá khứ.

Đạo lý là như vậy, nhưng khi Thánh Nhân lập Đồ Tiên Thiên Bát Quái là thuận theo lẽ tự nhiên của Vũ Trụ mà sắp xếp theo từng cặp tương đối với nhau.

Thuyết Quái Truyện nói rằng: “Trời Đất định vị trí phối hợp trên dưới, Núi Đầm một cao một thấp đủ thông khí, Sấm Gió tuy mỗi cái tự hưng động nhưng có thể ngầm nhập giao nhau, ứng hóa với nhau, Thủy Hỏa tuy khác tính nhưng không ghét nhau, khác mà đỡ đần nhau, Bát Quái đắp đổi nhau, lay động chà xát hỗn hợp mà sinh ra 64 quẻ”.

IV. Hậu Thiên Bát Quái

Hậu Thiên Bát Quái dựa theo phương vị của các quẻ Thuyết Quái.

1. Đế xuất hồ Chấn: Vũ trụ vận động bắt đầu từ quẻ chấn (Quẻ Chấn là phương Đông, lệnh của tháng 2, mùa Xuân, mặt trời phương Đông mọc lên, là thời kỳ tỏa chiếu cho vạn vật sinh trưởng).

2. Tế hồ Tốn: Vận hành đến quẻ Tốn, vạn vật đã đầy đủ, hưng vượng (Quẻ Tốn là Đông Nam, lệnh của tháng 3 tháng 4, mặt trời đã lên cao, chiếu rọi vạn vật rõ ràng).

3. Tương kiến hồ Ly: Quẻ Ly là tượng trong ngày ánh sáng rực rỡ, mọi vật đều thấy rõ (Quẻ Ly là phương Nam lệnh của tháng 5, chính là lúc mặt trời ở trên cao, nhìn rõ mọi vật đang sinh trưởng).

4. Chí dịch hồ Khôn: Thiên đế (chỉ vũ trụ) giao cho đất (Khôn) trọng trách (dịch) nuôi dưỡng vạn vật (Quẻ Khôn là phương Tây Nam, lệnh của tháng 6 tháng 7; khôn là đất, nuôi dưỡng vạn vật, thời kỳ vạn vật đã phát triển đầy đủ).

5. Thuyết ngôn hồ Đoài: là lúc vạn vật tươi vui (thuyết tức tươi vui) bèn ứng ở quẻ Đoài là phương Tây lệnh của tháng 8, chính là lúc hoa quả trĩu đầy, lúc mừng được mùa).

6. Chiến hồ Càn: Thời khắc tương ứng với quẻ Càn, vạn vật mâu thuẫn, đối lập, đấu tranh (Quẻ Càn là phương Tây Bắc, lệnh của tháng 9 tháng 10. Mặt trời đã Xuống chân phía Tây, là lúc tối sáng, Âm-Dương đấu tranh lẫn nhau).

7. Lao hồ Khảm: Khi vũ trụ đã vận hành đến khảm, mặt trời đã lặn, vạn vật mệt mỏi (Quẻ Khảm là phương Bắc, lệnh của tháng 11. Khảm là nước không ngừng chảy, nghĩa là lao khổ. Mặt trời ở phương nầy hoàn toàn không có, vạn vật đã mệt mỏi, là lúc nên nghỉ).

8. Thành ngôn hồ Cấn: Vũ trụ vận hành đến quẻ Cấn là đã hoàn thành một chu kỳ và sắp bước sang một chu kỳ mới (Quẻ CẤn là phương Đông Bắc, lệnh của tháng 12 và tháng Giêng, tức giao thời của Đông và Xuân, đen tối sắp qua, ánh sáng sắp tới, vạn vật đến đây đã kết thúc một ngày, cũng là lúc ngày mới sắp bắt đầu).

Họ lấy Khảm, Chấn, Ly, Đoài làm Quẻ bốn Mùa. Mỗi Quẻ chủ quản 6 Tiết Khí: Đông chí, Tiểu Hàn, Đại Hàn, Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh Trập do Khảm chủ quản; Xuân phân, Thanh Minh, Cốc Vũ, Lập Hạ, Tiểu Mãn, Mang Chủng do Chấn chủ quản; Hạ Chí, Tiểu Thử, Đại Thử, Lập Thu, Xử Thử, Bạch Lộ do Ly chủ quản; Thu Phân, Hàn Lộ, Sương Giáng, Lập Đông, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết do Đoài chủ quản.

Lý luận Quái Khí nói trên, là lấy từ Quái Cấn đến Quái Càn làm Quái giao biến tin tức cho 12 Tháng. Lấy 48 Quái còn lại phối với 12 Tháng như vậy mỗi Tháng có 5 Quái tin tức, mỗi Quái 6 Hào lần lượt chủ quản 6 Ngày, và 5 Quái có 30 Hào làm số ngày cho mỗi Tháng.

Thứ Tự Hậu Thiên Bát Quái thể hiện nam nữ giao hợp, vạn vật hóa sinh, thuyết minh Đạo Càn thành nam, Đạo Khôn thành nữ.

Trong Tử Vi: Càn ở cung Hợi, Khôn ở cung Thân, Chấn ở cung Mão, Tốn ở cung Tỵ, Khảm ở cung Tí, Ly ở cung Ngọ, Cấn ở cung Dần, Đoài ở cung Dậu.

Tiên Thiên Quái phối với tượng của Hà Đồ

“Phương bên trái của Hà Đồ, Dương ở trong Âm ở ngoài, lấy Tiên Thiên Quái phối vào là Chấn Ly Đoài Càn, tượng trưng Dương trưởng, Âm tiêu vậy. Phương bên phải nó, Âm ở trong Dương ở ngoài, lấy Tiên Thiên phối vào là Tốn Khảm Cấn Khôn, tượng trưng Âm Trưởng, Dương tiêu. Đại để vì lẽ đó tượng cho hai khí giao động”.

Hậu Thiên Quái phối với tượng của Hà Đồ

“Số 1, 6 của Hà Đồ là Thủy, phối với quẻ Khảm của Hậu Thiên. Số 3, 8 là Mộc phối với hai quẻ Chấn Tốn của Hậu Thiên. Số 2, 7 là Hỏa phối với quẻ Ly của Hậu Thiên. Số 4, 9 là Kim phối với hai quẻ Đoài Càn của Hậu Thiên. Số 5, 10 là Thổ phối với hai quẻ Khôn Cấn của Hậu Thiên, hai quẻ ấy chu lưu ở Xuân Hạ Thu Đông, bốn quý mà thiên vượng ở chỗ giao của Sửu Mùi. Chỉnh lại bức Đồ hình dùng để tượng trưng cho việc thuận sắp bày năm khí Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”.

Tiên Thiên Quái phối với số của Lạc Thư

“Chín số của Lạc Thư (hư) không dùng, số 5 ở giữa đem phối với Tiên Thiên Bát Quái, Dương ở trên Âm ở dưới, vì vậy 9 là Càn, 1 là Khôn. Nhân từ 9 mà nghịch số. Chấn 8, Khảm 7, Cấn 6. Càn sinh ba Dương vậy. Lại từ 1 mà thuận số Tốn 2, Ly 3, Đoài 4. Khôn sinh ba Âm vậy. Lấy 8 số và 8 quẻ phối với nhau, mà vị trí của Tiên Thiên Bát Quái chính là hợp khớp với nhau vậy”.

Hậu Thiên Quái phối với số của Lạc Thư

“Trên Hỏa dưới Thủy vì vậy 9 là Ly, 1 là Khảm. Hỏa sinh táo Thổ, vì vậy 8 ở bậc dưới 9 mà là Cấn. Táo Thổ sinh Kim vì vậy 7, 6 ở bậc dưới 8 mà là Đoài, Càn. Thủy sinh thấp Thổ, vì vậy 2 tiếp sau 1 mà là Khôn. Thấp Thổ sinh Mộc, vì vậy 3, 4 tiếp sau 2 mà là Chấn, Tốn. Lấy 8 số và 8 quẻ phối với nhau mà vị trí của Hậu Thiên Bát Quái hợp vậy”.

“Theo thầy Thiệu Khang Tiết: ‘Lấy Văn Bát Quái là vị trí để dùng, cái học Hậu Thiên. Chu Tử lấy số của Lạc Thư để dùng. Thuật gia phi cung đến thay, toàn dùng Hậu Thiên Bát Quái phối với Lạc Thư. Phép nầy lấy Khảm 1, Khôn 2, Chấn 3, Tốn 4, giữa 5, Càn 6, Đoài 7, Cấn 8, Ly 9 làm thứ tự’”.

“Lưu Hâm nói rằng: ‘Bát Quái Cửu Cung cùng nhau làm biểu lý’”.

“Trương Hoành nói rằng: ‘Thánh Nhân gặp việc quan trọng dùng Bốc Phệ, việc tạp dùng Cửu Cung’, thì từ đó đến nay đã xa lắm vậy”.

Những gì sưu tầm được và viết ra đây chỉ là một phần nhỏ của DỊCH, mà tôi đã áp dụng để khám phá TỬ VI, nên không làm sao hoàn toàn và đầy đủ như quý vị mong đợi. Xin độc giả thông cảm!