Nguyên lý bố cục Đông Tứ Trach – Tây Tứ Trạch

Nguyên lý  bố cục Đông Tứ Trach – Tây Tứ Trạch

Đông Tứ Trạch và Tây Tứ Trạch

Đông Tứ Trạch gồm 4 quẻ: Khảm, Ly, Chấn, Tốn. Tây Tứ Trạch gồm 4 quẻ: Càn, Khôn, Cấn, Đoài.

Sự phân chia Đông-Tây Tứ Trạch dựa trên 3 nguyên tắc chính:

Quy luật tương sinh của Ngũ hành

Căn cứ vào tiên thiên quái và số Lạc Thư, ta có:

Càn-Khôn-Cấn-Đoài tương ứng với số Lạc Thư: 9-1-6-4

Khảm-Ly-Chấn-Tốn tương ứng với số Lạc Thư: 7-3-8-2

Kết hợp với ngũ hành tiên thiên:

1 – 6 là thủy ở phương Bắc; 4 – 9 là Kim ở phương Tây.

2 – 7 là hỏa ở phương Nam; 3 – 8 là Mộc ở phương Đông.

Do đó:

1 – 6 – 4 – 9 là Kim Thủy tương sinh (tạo thành Tây Tứ)

2 – 7 – 3 – 8 là Mộc Hỏa tương sinh (tạo thành Đông Tứ)

Quy luật Sinh thành của Hà Đồ-Lạc Thư

Trong cấu trúc Lạc Thư:

Thiên nhất sinh Thủy, Ðịa lục thành chi. Ðịa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi. Thiên tam sinh Mộc, Ðịa bát thành chi. Ðịa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi. Thiên ngũ sinh Thổ, Ðịa thập thành chi.

Ngũ Hành ứng với các cặp số Sinh Thành có vị trí Tiên Thiên có phương vị:

1-6: Hành Thủy, phương Bắc.

2-7: Hành Hỏa, phương Nam.

3-8: Hành Mộc, phương Ðông.

4-9: Hành Kim, phương Tây.

5-10: Hành Thổ, ở Trung Tâm.

Kết hợp vào quái lý:

Tây Tứ Trạch: Càn-Khôn-Cấn-Đoài:

Càn 9 với Đoài 4 -> Thiên Địa sinh thành

Khôn 1 với Cấn 6 -> Thiên Địa sinh thành

Càn 9 với Khôn 1 -> Thiên Địa hợp thập

Đoài 4 với Cấn 6 -> Thiên Địa hợp thập

(Hợp thập là quan hệ phối hợp viên mãn của vũ trụ)

Càn 9 với Cấn 6 -> Phối ngũ trung, Âm Dương giao cấu

Khôn 1 với Đoài 4 -> Phối ngũ trung, Âm Dương giao cấu

Đông Tứ Trạch: Ly-Khảm-Chấn-Tốn:

Khảm 7 với Tốn 2 -> Thiên Địa sinh thành

Ly 3 với Chấn 8 -> Thiên Địa sinh thành

Khảm 7 với Ly 3 -> Thiên Địa hợp thập

Chấn 8 với Tốn 2 -> Thiên Địa hợp thập

Khảm 7 với Chấn 8 -> Phối ngũ trung, Âm Dương giao cấu

Ly 3 với Tốn 2 -> Phối ngũ trung, Âm Dương giao cấu

Tất cả các quẻ trong Đông-Tây khi phối trong từng nhóm đều được Sinh Thành, Hợp thập, Âm dương giao cấu.

Quy luật Âm dương tương phối

Theo Tiên Thiên Quái:

Càn Đoài = lão Dương; Khôn Cấn = lão Âm.

Tây tứ trạch Càn Khôn Cấn Đoài = lão Dương phối lão Âm (Nguyên tắc Lão Phối Lão)

Tốn Khảm = thiếu Dương; Chấn Ly =thiếu Âm.

Đông tứ trạch Ly Khảm Chấn tốn là thiếu Dương phối thiếu Âm (Nguyên tắc Thiếu Phối Thiếu)

Quan hệ trong Đông-Tây tứ là quan hệ : “Lão phối lão – thiếu phối thiếu – âm dương tương phối”

Chính vì các lý này, cho nên Đông Tứ thì hợp với Đông Tứ, Tây Tứ thì hợp với Tây Tứ, vì trong Đông Tứ hoặc Tây Tứ là các quan hệ hài hòa NGŨ HÀNH TƯƠNG SINH – THIÊN ĐỊA SINH THÀNH – ÂM DƯƠNG TƯƠNG PHỐI. Đó chính là Nguyên tắc sắp xếp hình thành nên Đông Tứ Trạch và Tây Tứ Trạch. Lấy Quái lý của Tiên thiên quái làm THỂ, lấy phương vị Hậu thiên quái làm DỤNG, là nền tảng của phái Bát trạch phong thủy.